Tổng hợp thuật ngữ Defi mới nhất mà bạn nên biết 4
DeFi là viết tắt của từ Decentralized Finance, có nghĩa là tài chính phi tập trung. Hiểu một cách đơn giản thì hệ thống tài chính phi tập trung sẽ không bị quản lý bởi bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, trái ngược với hệ thống tài chính tập trung như ngân hàng hay các định chế tài chính khác, bị chịu kiểm soát của một bên.
DeFi bao gồm các ứng dụng tài chính được xây dựng trên nền tảng blockchain như Ethereum, EOS, Tron hay Binance Smart Chain, v.v. Các ứng dụng này cho phép bạn gửi tiết kiệm, vay tiền hoặc đầu tư vào những dự án tiềm năng khác mà không yêu cầu lượng vốn quá lớn cũng như quá trình xét duyệt rườm rà. Do vậy, người dùng có thể tiếp cận đến nhiều loại hình dịch vụ tài chính dễ dàng hơn, bao gồm cả những người có thu nhập thấp.
Tổng hợp những thuật ngữ Defi cơ bản
Danh sách các thuật ngữ Defi cơ bản cho người mới
Để hiểu rõ về cách thức vận hành và những lợi ích đi kèm khi bạn tham gia vào một dự án DeFi nào đó, bạn cần đi sâu hơn vào những thuật ngữ chuyên dùng. Dưới đây, chúng tôi sẽ liệt kê những khái niệm cơ bản trong DeFi theo thứ tự từ A-Z để bạn dễ dàng tra cứu khi cần.
AMM (Automated Market Maker)
AMM hay mô hình tạo lập thị trường tự động là một giao thức trong hệ sinh thái DeFi nhằm tính giá trị tài sản một cách tự động dựa trên các thuật toán thay vì sổ lệnh thông thường. AMM cho phép tokens được mua bán tự động bằng cách sử dụng bể thanh khoản (liquidity pool) thông qua hợp đồng thông minh. Ví dụ, bạn muốn mua 1 ETH bằng USDT, hợp đồng thông minh sẽ gửi yêu cầu của bạn đến bể thanh khoản và tính toán số lượng USDT cần thiết cho giao dịch này.
APR là lãi suất hàng năm của một khoản vay hoặc tiền gửi tiết kiệm, chưa bao gồm lãi kép.
Ví dụ: Lãi suất 1 tháng của 1 khoản tiết kiệm là 0,5%
Thì lãi suất 12 tháng của khoản tiết kiệm đó là: 0,5% x 12 = 6% (APR = 6%)
APY (Annual Percentage Yield)
APY là tỷ suất lợi nhuận thực tế hàng năm, đã bao gồm lãi kép.
Ví dụ: Lãi suất 1 tháng của 1 khoản tiết kiệm là 0,5%
Thì tỷ suất lợi nhuận 12 tháng của khoản tiết kiệm đó là: (1 + 0,5%) ^ 12 = 6,17% (APY = 6,17%)
Collateral(Tài sản thế chấp)
Trong hệ sinh thái DeFi, tài sản thế chấp được sử dụng khi bạn muốn vay tiền, tuy nhiên, tài sản thế chấp phải khác với tài sản bạn đi vay. Ví dụ, bạn thế chấp ETH để vay DAI. Cơ chế này tương tự như bạn thế chấp bất động sản để vay tiền vậy. Để tránh tình trạng thiếu hụt thanh khoản, bạn phải thế chấp tài sản có giá trị lớn hơn khoản vay với tỷ lệ dao động từ 125% – 150%. Ví dụ, bạn thế chấp $100 ETH để vay $70 DAI (~ 143%).
DAO (Decentralized Autonomous Application)
DAO là một tổ chức tự trị phi tập trung, nghĩa là nó không cần đến sự quản lý của con người trong quá trình vận hành. Tất cả quy trình hoạt động đều được mã hoá dưới dạng hợp đồng thông minh. DAO bản chất là một chương trình máy tính mở nên bất kỳ ai cũng có thể xem và sử dụng. Tất cả các quyết định về sự phát triển của DAO đều phải được bỏ phiếu để đạt được sự đồng thuận, ngay cả khi có một lỗi coding xảy ra cũng phải chờ ý kiến số đông để khắc phục.
Dapps (Decentralized Applications)
Dapps là các ứng dụng phi tập trung, là sự khởi đầu của xu hướng DeFi. Khá tương tự DAO, Dapps không cần đến sự can thiệp của con người mà có thể tự vận hành một cách trôi chảy. Hiện nay, Ethereum là nền tảng được nhiều người lựa chọn nhất để xây dựng các ứng dụng phi tập trung. Tuy nhiên do phí ngày càng cao nên nhiều đội ngũ phát triển đã lựa chọn nền tảng khác như EOS, Tron, Binance Smart Chain, v.v. Dapps thường được chia thành 7 nhóm chính bao gồm: Sàn giao dịch, ví, trò chơi, tài chính, ứng dụng cá cược, mạng xã hội và các ứng dụng khác.
DEX/CEX
DEX là sàn giao dịch phi tập trung còn CEX là sàn giao dịch tập trung. DEX được vận hành bởi các thuật toán và hợp đồng thông minh trong khi CEX cần đến sự quản lý của con người. Là một nhà giao dịch, bạn có thể mua các loại tài sản điện tử trên cả 2 sàn, tuy nhiên, tính thanh khoản trên DEX thấp hơn nhiều so với CEX. Do vậy, bạn nên chú ý vấn đề này khi quyết định đầu tư vốn lớn trên sàn giao dịch phi tập trung như Uniswap hay Kyber. Coinbase và Binance là 2 sàn giao dịch tập trung phổ biến nhất hiện nay.
ERC-20 là nền tảng công nghệ mà những tokens được xây dựng trên hệ sinh thái Ethereum phải đáp ứng. Địa chỉ ví của các ERC-20 tokens luôn bắt đầu bằng ký hiệu “0x”, điều này sẽ giúp bạn giảm bớt phần nào rủi ro sao chép nhầm địa chỉ ví khi lưu chuyển tokens trong hệ thống Ethereum.
Flash Loan
Flash Loan là hình thức vay nóng thường được sử dụng trên hệ sinh thái Ethereum. Người dùng có thể vay tiền mà không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên, khoản vay cần được hoàn trả trước khi block đó hoàn thành giao dịch, nếu không phí lãi suất sẽ phát sinh. Flash Loan thường được người dùng sử dụng để ăn chênh lệch tỷ giá khi chuyển đổi tokens đi vay với những tokens khác trong cùng hệ sinh thái.
Flash Swaps
Khá tương tự Flash Loan, Flash Swaps cho phép người dùng rút một phần hoặc toàn bộ ERC-20 token trong ví để thực hiện chuyển đổi giữa các tokens nhằm ăn chênh lệch tỷ giá mà không mất phí trước khi giao dịch hoàn tất. Khi giao dịch kết thúc, bạn phải thanh toán phí rút tiền hoặc hoàn trả lại số tokens bạn đã ứng.
Gas fees
Gas fees là khoản phí mà các thợ đào trên nền tảng Ethereum nhận được khi thực hiện một giao dịch. Phí Gas được tính toán tương ứng với nguồn lực và năng lượng cần thiết để một giao dịch được thực hiện thành công. Càng nhiều giao dịch được thực hiện thì phí Gas càng tăng, do vậy, nếu giá trị giao dịch của bạn quá nhỏ, phí Gas cao sẽ là một rào cản lớn đối với bạn.
Hodl
Hodl là cách viết khác của Hold nghĩa là nắm giữ tài sản lâu dài, hay còn có nghĩa là “Hold on for dear life). Hodler là thuật ngữ dùng để chỉ những nhà đầu tư mua các loại tiền điện tử với mục đích lưu trữ dài hạn.
Liquidity Pools
Liquidity Pools là những hợp đồng thông minh có sẵn tokens để cho vay hoặc tiến hành giao dịch mua bán. Một bể thanh khoản được xem như là một thị trường trao đổi nhỏ giữa 2 tokens, tuy nhiên, không cần xuất hiện nhu cầu từ cả người bán và người mua để một giao dịch hoàn tất. Ví dụ, nếu bạn muốn mua ETH trong bể ETH/USDT, hệ thống sẽ tự động tính toán lượng USDT tương ứng. Giao dịch hoàn tất, bạn sẽ nhận được ETH trong ví, và USDT sẽ chuyển vào trong bể.
Liquidity Provider
Liquidity Provider là người cung cấp thanh khoản cho bể (pools). Để các giao dịch tài chính được thực hiện trong khi cung và cầu không gặp nhau thì hệ thống cần có sẵn một lượng tiền chứa trong bể thanh khoản. Đổi lại, người cung cấp thanh khoản sẽ nhận được lãi suất (đến từ những người đi vay) hoặc phí giao dịch của người dùng khi chuyển đổi giữa các tokens.
Impermanent loss
Tổn thất tạm thời (impermanent loss) xảy ra khi giá tài sản hiện tại của bạn trong bể thanh khoản thấp hơn giá khi bạn cung cấp thanh khoản cho hệ thống. Gọi đây là tổn thất tạm thời vì khi giá tài sản tăng trở lại, tổn thất này sẽ biến mất. Ngoài ra, người dùng còn có thể giảm bớt tổn thất bằng chi phí giao dịch nhận được (tính theo phần trăm giá trị tài sản của bạn so với tổng giá trị bể) khi cung cấp thanh khoản.
Liquidity Mining là một hình thức của Yield Farming, bản chất là việc bỏ tài sản của bạn vào pool để cho vay hoặc cung cấp thanh khoản. Bằng cách này, bạn có thể nhận tiền dưới dạng token mà bạn sở hữu hoặc một loại token khác. Dịch vụ này cho phép người dùng kiếm thêm thu nhập thụ động ngoài việc nắm giữ tài sản chờ tăng giá. Ngoài ra, sẽ không có bất kỳ giới hạn thời gian nào về việc để tiền trong bể, bạn có thể rút tài sản của bạn ra bất kỳ lúc nào bạn muốn.
Non-fungible tokens (NFTs) là những tài sản kỹ thuật số mang đặc tính riêng của một sự vật hoặc sự việc nào đó. Do vật, không bao giờ tồn tại 2 NFTs hoàn toàn giống nhau. NFTs không thể thay thế và không dùng để chuyển đổi qua lại như Bitcoin hay các tokens bình thường khác. Chúng thường được sử dụng trong game để đại diện cho một nhân vật hoặc đồ vật với những đặc tính và công dụng cụ thể.
Pump and dump
Thuật ngữ “pump and dump” được dùng để chỉ sự tăng giá nhanh chóng của một loại tài sản nhưng sau đó áp lực bán lớn xuất hiện khiến giá giảm đột ngột. Hiện tượng này thường xảy ra đối với những đồng coin hoặc token mới được niêm yết lên sàn giao dịch. Nếu bạn tham gia mua những loại tài sản này khi giá quá cao và chưa kịp chốt lãi thì bạn sẽ phải chấp nhận thua lỗ khi giá tìm về điểm cân bằng của nó.
Slippage
Slippage (trượt giá) nghĩa là sự khác biệt về mức giá kỳ vọng và mức giá thực hiện khi bạn tiến hành swap các tokens với nhau. Trượt giá xảy ra khi có sự biến động giá quá nhanh, do vậy, hệ thống tự động khớp những giá trị thấp hơn hoặc cao hơn để hoàn tất giao dịch của bạn.
Smart contracts
Smart contracts là chương trình máy tính được thiết kế để tự vận hành mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người. Trên thị trường tiền mã hoá, hợp đồng thông minh lần đầu tiên được xuất hiện trên nền tảng Ethereum chứ không phải nền tảng Bitcoin. Do được lập trình để chạy tự động, những giao dịch được thực hiện bởi hợp đồng thông minh rất minh bạch và tiết kiệm chi phí nhờ bỏ qua khâu trung gian. Ngoài ra, thuật toán trên các hợp đồng thông minh không thể đảo ngược, nhằm đảm bảo giao dịch của người dùng được lưu trữ an toàn và không bao giờ bị thất lạc.
Stablecoin là tiền điện tử có giá trị neo theo một loại tiền tệ hoặc tài sản cơ sở nào đó. Chúng tạo điều kiện cho người dùng chuyển đổi giá trị giữa các tài sản khác nhau với mức biến động giá rất nhỏ. Có 3 loại stablecoin chính như sau:
– Stablecoin được đảm bảo bởi một loại tiền tệ theo tỷ lệ 1:1. Ví dụ: 1 USDT có giá trị bằng 1 USD. Số lượng USDT phát hành sẽ phụ thuộc vào tổng giá trị USD mà tổ chức phát hành nắm giữ.
– Stablecoin được đảm bảo bới tiền điện tử. Ở đây, tiền điện tử sẽ được dùng làm tài sản thế chấp để tạo ra stablecoin một cách tự động thông qua các hợp đồng thông minh. Tỷ lệ thế chấp sẽ luôn lớn hơn 100% để đảm bảo tính thanh khoản cho stablecoin đó. Ví dụ, người dùng sẽ khóa ETH của họ trên hệ thống để tạo ra DAI. Nếu tỷ lệ thế chấp là 150% thì với 1 ETH được khoá, hệ thống có thể tạo ra 66 DAI.
– Algorithmic Stablecoin sử dụng thuật toán để cân bằng lượng cung trên thị trường. Ví dụ ESD được tạo ra theo giá trị của 1 USD. Khi giá của ESD nhỏ hơn $1, hệ thống sẽ tự động mua lại một lượng token để đẩy giá về 1$. Ngược lại, khi giá ESD lớn hơn $1, hệ thống sẽ phát hành thêm ESD. Thuật toán này sẽ đảm bảo giá trị của ESD luôn xoay quanh $1.
Tokens
Tokens là một loại tài sản trên hệ thống Blockchain, được tạo ra kèm theo một dự án cụ thể. Mỗi token thường sẽ có một ứng dụng riêng của nó và thường được xây dựng trên nền tảng blockchain của một đồng coin khác như Ethereum, EOS, NEO, v.v. Ví dụ như BNB được tạo ra để giảm phí giao dịch cho người dùng khi mua bán trên sàn Binance và nó được xây dựng ban đầu trên nền tảng Ethereum. Đội ngũ phát triển sẽ phải trả phí bằng coin nền tảng (ví dụ ETH) để tạo ra tokens của họ cũng như chuyển đổi tokens qua lại trên blockchain đó.
Token Burns là tổng số lượng token biến mất vĩnh viễn trên hệ thống. Nhiều đội ngũ phát triển đã thu mua lại định kỳ một lượng token để đốt nhằm làm giảm lượng cung trên thị trường. Nếu lượng cung giảm trong khi lượng cầu không đổi hoặc tăng lên thì giá của token đó sẽ gia tăng.
Tokenomics
Tokenomics là thuật ngữ dùng để miêu tả những chức năng chính và mục đích sử dụng của một token mới được niêm yết lên sàn giao dịch. Nó giống như bản cáo bạch của một cổ phiếu nêu rõ hoạt động kinh doanh, tình trạng tài chính cũng như những kế hoạch phát triển trong tương lai của một công ty. Tokenomics thường sẽ bao gồm số lượng phát hành, cách thức phân phối, ứng dụng cụ thể cũng như tiềm năng phát triển của một token. Do vậy, bạn nên dành thời gian đọc kỹ tokenomics trước khi ra quyết định đầu tư.
TVL là viết tắt của Total Value Locked, nghĩa là tổng giá trị tài sản được khoá trong một sàn giao dịch phi tập trung, một ứng dụng phi tập trung hoặc trong toàn bộ hệ thống DeFi. Nó còn được gọi là TLV (Total Locked Value). Như thông tin chia sẻ ban đầu, hiện nay TVL của thị trường DeFi vào khoảng 40 tỷ đô, dữ liệu được lấy theo DeFi Pulse ngày 03/03/2021.
Tìm hiểu thêm về các đợt mở bán token lần đầu trên DEX (Initial DEX Offering - IDO) mà đang được các dự án phi tập trung ...
Xem chi tiết
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng cung cấp thông tin để chúng tôi có thể tư vấn cho Quý vị!
Thông tin liên hệ
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG & CÔNG NGHỆ MBC VIỆT NAM Địa chỉ ĐKKD: Toà nhà FIMEXCO, số 231-233 đường Lê Thánh Tôn, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt Nam VPGĐ: Phòng 601, Tầng 6, Toà nhà Rockland, 112 Mễ Trì Hạ, Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội Điện thoại: 0972.36.88.55 Email: ceo.mbcvietnam@gmail.com
Bản quyền nội dung thuộc về chủ sở hữu của website. Copyright @2018 Sử dụng nội dung trên trang nghĩa là bạn đồng ý với Điều khoản sử dụng và Chính sách bảo mật của chúng tôi. Thiết kế web iHappy.